Tam Cá Nguyệt 3
Thai nhi 27 tuần phát triển như thế nào, nặng bao nhiêu?
Đăng ngày | Chuyên mục | Tác giả |
23/07/2022 | Tam Cá Nguyệt 3 | Dược sĩ Hoàng Thị Tuyết |
Bước vào những tuần cuối của kỳ tam nguyệt thứ 2, mẹ lo lắng nhiều hơn, cơ thể cũng có nhiều thay đổi hơn, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên với những lời khuyên từ chuyên gia dưới đây, mẹ sẽ an tâm để chuẩn bị tốt hơn khi mang thai 27 tuần.

1. Thai nhi 27 tuần phát triển như thế nào trong giai đoạn này?
Giai đoạn mang thai 27 tuần bé nặng bao nhiêu? Bé không có nhiều thay đổi về cân nặng so với tuần thai thứ 26. Theo đó, bé sẽ có kích thước cỡ bông súp lơ với cân nặng khoảng gần 900g và dài khoảng 36,8cm tính từ đỉnh đầu đến gót chân.
Tham vấn y khoa: Dược khoa Trương Anh Thư
Các chỉ số về kích thước của thai nhi ở giai đoạn này được dự đoán như sau:
- Đường kính lưỡi đỉnh (BPD): 62 – 77mm, trung bình là 69mm
- Chiều dài xương đùi (FL): 46 – 59mm, trung bình là 52mm
- Chu vi vòng đầu (HC): 241 – 280mm, trung bình là 252mm
- Chu vi vòng bụng (AC): 205 – 273, trung bình là 229mm
Hình ảnh thai nhi 27 tuần tuổi sẽ khá giống với lúc được sinh ra, nhưng gầy và nhỏ hơn. Từ giai đoạn này trở về sau, lớp mỡ của bé sẽ dày thêm, giúp cơ thể trông đầy đặn hơn khi được sinh ra. Phổi, gan và hệ thống miễn dịch của bé vẫn cần phải hoàn thiện, nhưng nếu được sinh ra bây giờ, bé vẫn có cơ hội sống cao.

Giai đoạn thai nhi 27 tuần phát triển như thế nào? Bước sang tuần 27, khả năng nghe của bé tiếp tục phát triển. Bé có thể nhận thức rõ ràng hơn sóng âm thanh xung quanh mình. Bé có thể nhận diện được giọng nói của bố và mẹ, cũng như những âm thanh xung quanh. Mọi thứ đều không quá rõ ràng do bé được ngăn cách bởi tử cung và lớp sáp dày để bảo vệ bé khỏi vỡ nước ối.
Đây cũng là giai đoạn mà bé sẽ bắt đầu đạp nhiều hơn, xoay liên tục, thi thoảng, bạn cũng có thể cảm nhận được những cú đạp mạnh mẽ của bé. Do đó, mang thai 27 tuần, mẹ khó có thể tránh khỏi những cơn đau đạp.
2. Thai nhi 27 tuần tuổi đã quay đầu chưa?
Đây cũng là băn khoăn của nhiều mẹ bầu trong giai đoạn thai nhi 27 tuần. Hầu hết các trường hợp thai nhi sẽ quay đầu khi chạm mốc 32 – 36 tuần của thai kỳ để chuẩn bị chào đời và đây là quãng thời gian lý tưởng nhất. Một số trường hợp bé cũng có thể quay đầu khá muộn, khoảng sau 37 tuần hoặc bé lựa chọn xoay ngang, hay còn gọi là phôi ngang.

3. Sự thay đổi trên cơ thể mẹ khi bầu tuần 27
Mang thai 27 tuần, cơ thể mẹ có nhiều thay đổi hơn về kích thước vòng bụng cũng như những triệu chứng khó chịu bắt đầu xuất hiện.
3.1. Vòng bụng tuần 27 thai kỳ
Tuần thai 27, bụng mẹ to hơn và cũng nặng hơn. Đây cũng là lúc mà phần da bụng căng giãn, và khô hơn trước. Mẹ sẽ có cảm giác ngứa, châm chích vùng bụng. Để giảm cảm giác khó chịu này, mẹ bầu có thể sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm có thành phần lành tính, hoặc sử dụng dầu oliu để giảm ngứa cũng như hạn chế tình trạng rạn da. Vết rạn là chuyện thường khi mẹ mang thai, nhưng mẹ có thể khiến chúng nhỏ và mờ hơn khi cấp ẩm đầy đủ. Da được dưỡng ẩm đầy đủ sẽ co giãn tối hơn và khó nứt hơn.

Ở giai đoạn mang thai 27 tuần này, mẹ sẽ thấy rốn của mẹ bị đẩy lồi ra hẳn, thậm chí còn hiện ra dưới lớp quần áo. Mẹ có thể nhận thấy một đường thẳng tối màu dọc bụng mẹ, đường tăng sắc tố này phổ biến và bình thường, cũng không có bất kỳ tác động tiêu cực đến sức khỏe của mẹ và bé.
3.2. Mẹ bầu tuần 27 sẽ gặp những triệu chứng gì?
Thai 27 tuần, mẹ có thể gặp phải một số triệu chứng như sau:
- Cảm giác thèm ăn hơn: Do nhu cầu dinh dưỡng của thai nhi ở giai đoạn này khá cao, nên kéo theo cảm giác thèm ăn ở mẹ. Tuy nhiên, mẹ vẫn cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh ăn quá đà dẫn đến tăng cân bất thường. Ngoài ra, mẹ nên ưu tiên nhóm thực phẩm lành mạnh, nhiều rau xanh và tránh xa đồ ngọt, chất kích thích.
- Khó thở và đau ngực: Đây là những triệu chứng thường thấy vào tuần thai 27, tuy nhiên nếu cơn đau trở nặng hơn bình thường, mẹ nên thực hiện thăm khám để phát hiện điểm bất thường sớm nhất.
- Phù nề tại một số bộ phận trên cơ thể: Triệu chứng phù nề chủ yếu xuất hiện ở vùng tay, chân, cổ và điều này là hoàn toàn bình thường. Trường hợp phù nề nặng, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, mẹ nên đến gặp bác sĩ để có thể giảm thiểu tối đa triệu chứng.

4. Siêu âm thai 27 tuần
Siêu âm nên được thực hiện trong suốt thai kỳ, tuy nhiên nếu không có nhiều sự bất thường về cơ thể, mẹ không cần thiết phải siêu âm khi mang thai nhi 27 tuần. Trường hợp nhận thấy nhiều điều không ổn ở thai nhi, mẹ cần thực hiện siêu âm ngay:
- Bé nấc quá mức bình thường
- Thai nhi ít hoặc thiếu cử động
- Bé hoạt động quá nhiều hoặc đạp liên tục trong nhiều giờ
- Sưng nề bất thường hoặc có triệu chứng của tiền sản giật
- Bất kỳ các triệu chứng hoặc vấn đề sức khỏe đặc thù do bệnh sử của mẹ
Trong thời gian này, mẹ hãy cố tìm hiểu càng nhiều thông tin về trẻ sơ sinh, vì sau khi sinh việc vừa tìm hiểu vừa làm sẽ khó khăn hơn nhiều. Nếu hiện tại hoàn cảnh sống của mẹ quá áp lực, mẹ hãy tham vấn ý kiến chuyên gia về phương pháp kiểm soát các tình huống căng thẳng và cách phản ứng với nó.

5. Mẹ cần lưu ý gì khi mang thai 27 tuần?
Mặc dù những triệu chứng gặp ở giai đoạn mang thai 27 tuần đều khá bình thường, nhưng mẹ vẫn cần lưu ý đến một số điểm sau:
- Phù và chuột rút bình thường và bất thường rất khó phân biệt. Chỉ một dấu hiệu nhỏ mà mẹ không phát hiện ra cũng có thể dẫn đến nguy hại về sau. Do đó, khi thăm khám, bác sĩ sẽ hướng dẫn cho mẹ cách theo dõi các triệu chứng và cách phân biệt chúng với những dấu hiệu nguy hiểm.
- Triệu chứng đau lưng là không thể tránh khỏi, tuy nhiên mẹ vẫn có thể giảm nhẹ triệu chứng bằng các phương pháp dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, mẹ nên tránh đứng quá lâu, lực sẽ dồn nhiều vào vùng xương chậu do sức nặng của vòng bụng, dẫn đến đau lưng.
- Trĩ là triệu chứng thường gặp trong thai kỳ, nhưng có thể diễn tiến đau và khó chịu vô cùng. Mẹ hãy hỏi ý kiến bác sĩ về các loại thuốc an toàn và các phương pháp điều trị khác để giảm cảm giác ngứa và nóng rát.
- Các phương pháp chườm ấm, ngâm người với nước ấm có thể giúp mẹ giảm đau hiệu quả.

6. 3 điều mẹ bầu tuần 27 cần trao đổi với bác sĩ
Khi thực hiện thăm khám, ngoài những lời khuyên chủ động từ bác sĩ, mẹ cũng cần trao đổi thêm khi gặp một số vấn đề sau:
- Co thắt đau đớn thường xuyên mỗi 10 phút (hoặc sớm hơn) mà không thuyên giảm khi mẹ thay đổi vị trí
- Liên tục đau lưng dưới hoặc có sự thay đổi bản chất của cơn đau lưng dưới
- Thay đổi dịch tiết âm đạo, đặc biệt nếu dịch tiết ở dạng lỏng như nước hoặc nhuốm màu hồng nhạt hoặc nâu lẫn với máu
- Mẹ bị đau hoặc cảm giác có áp lực trên xương chậu, đùi hoặc háng
- Bị rò rỉ nước từ âm đạo ở dạng dòng chảy nhỏ giọt đều đặn hoặc phun thành dòng.

7. Các câu hỏi thường gặp
Thai 27 tuần là thời điểm mẹ bầu đã mang thai được 6 tháng và 3 tuần. Ở giai đoạn này, mẹ đang dần bước vào những tuần cuối của tam nguyệt thư hai và hình ảnh thai nhi 27 tuần tuổi ngày càng rõ nét hơn.
Theo các nghiên cứu chứng minh rằng, tư thế nằm của thai nhi 27 tuần tốt nhất cho mẹ là tư thế nằm ngủ nghiêng về 1 bên và ở trong tất cả các giai đoạn thay kỳ vì nằm nghiêng sẽ giúp cho mẹ thở tốt hơn và giảm áp lực lên tử cung. Tuy nhiên, khi nằm ngủ mẹ cũng nên thay đổi chuyển nghiêng bên này hoặc sang bên kia và cần tập thói quen nghiêng nhiều về phía bên trái hơn.
Ngoài ra, từ tháng thứ 4 trở đi đối với các mẹ có bệnh lý liên quan đến tĩnh mạch, chuột rút ban đêm thì nên gác chân cao và nằm cao giúp các mẹ hạn chế trào ngược do tử cung chèn ép dạ dày.
Thai 27 tuần bé đã có sự thay đổi rõ rệt và sẵn sàng cho một kỳ tam thai mới. Giai đoạn này mẹ sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn. Do đó, mẹ hãy cố gắng xây dựng một lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng khoa học và thường xuyên thăm khám để được chỉ dẫn tốt nhất. Trên đây là tổng hợp những thông tin về tuần thai 27, hy vọng bài viết mang đến nhiều thông tin hữu ích cho mẹ.
Lưu ý: Các bài viết của Mama Sữa Non Colos Multi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Thai 26 Tuần Nặng Bao Nhiêu Và Thay Đổi Của Cơ Thể Mẹ
Thai 28 Tuần Tuổi – Sự Phát Triển Của Bé Và Mẹ Cần Lưu Ý Gì?
Thai 29 Tuần: Sự Phát Triển Của Bé & Sự Thay Đổi Cơ Thể Mẹ
Thai Nhi 30 Tuần Tuổi Phát Triển Như Thế Nào? Bà Bầu Tuần 30 Có Thay Đổi Gì?