Tam Cá Nguyệt 2
Thai 18 tuần nặng bao nhiêu? Mẹ có nên siêu âm thai không?
Đăng ngày | Chuyên mục | Tác giả |
23/07/2022 | Tam Cá Nguyệt 2 | Dược sĩ Hoàng Thị Tuyết |
Thai 18 tuần có nghĩa là mẹ đã vượt được gần nửa chặng đường cho quá trình chờ đón bé ra đời. Đây là giai đoạn phát triển để hoàn thiện tất cả các giác quan của bé. Vậy thai 18 tuần tuổi nặng bao nhiêu, hình ảnh siêu âm của thai 18 tuần tuổi như thế nào,… Dưới đây là những thông tin hữu ích mà các mẹ cần biết.

1. Thai nhi 18 tuần phát triển như thế nào?
Thai 18 tuần nặng bao nhiêu: Thai 18 tuần bé sẽ có kích thước giống như một quả ớt chuông. Cân nặng của bé khoảng 200 gram và bé có chiều dài khoảng 14 cm.
Tham vấn y khoa: Dược khoa Trương Anh Thư
Tai trở về đúng hình dáng hoàn chỉnh: Khi ở tuần thai thứ 18, tai của bé sẽ di chuyển về đúng vị trí và chìa sang hai bên về đúng hình dáng hoàn chỉnh. Giai đoạn này, mẹ hãy tích cực trò chuyện, hát cho bé nghe vì bé đã có thể cảm nhận được âm thanh của mẹ. Vì các xương tai giữa và các dây thần kinh đang dần hoàn thiện nên bé cũng đã có thể nghe được nhịp tim, lượng máu di chuyển thông qua dây rốn, bé thậm chí có thể giật mình khi có tiếng động lớn.
Mắt hướng về phía trước: Khi thai nhi trong những tuần đầu, mắt bé thường hướng sang 2 bên. Lúc thai nhi 18 tuần tuổi, mắt bé đang dần phát triển, bé đã có thể nhìn về phía trước. Nếu mẹ chiếu đèn pin vào trong, võng mạc của bé con đã có thể cảm nhận được ánh sáng chiếu vào.
Hệ xương phát triển: Các khớp xương, xương đòn và xương chân của bé sẽ chuyển từ xương sụn dẻo thành xương cứng.
Da trong suốt: Mẹ có thể nhìn thấy rõ mạch máu của bé khi thực hiện siêu âm 4D.
Ngáp: Mẹ đã có thể cảm nhận được bé ngáp, nấc cụt.
Cử động tay, chân: Mẹ sẽ cảm nhận được những cái đá chân nhẹ của con, bé lúc này còn biết gập ngón tay, ngón chân.
Hệ thần kinh phát triển: Thai nhi 18 tuần tuổi sẽ tiếp tục hình thành hệ thống dây thần kinh ngày càng hoàn thiện hơn. Não bé tiếp tục phát triển hệ thống các giác quan để cảm nhận.
Xác định được giới tính: Độ chính xác khi xác định giới tính của thai 18 tuần tuổi là 90%.
Thai 18 tuần máy bụng dưới: Ở thời điểm này, em cảm nhận được con đang cử động trong bụng, bé sẽ liên tục máy bụng dưới (đạp bụng dưới của mẹ). Tuy nhiên, nếu thai nhi 18 tuần chưa máy cũng không hoàn toàn là dấu hiệu quá nguy hiểm, nên mẹ đừng quá lo lắng nhé.

2. Những thay đổi của mẹ khi mang thai 18 tuần
2.1 Thay đổi của mẹ về mặt cảm xúc
- Khi thai nhi ở tuần thứ 18, cả bố và mẹ thường lo lắng về việc vượt cạn cũng như vai trò mới của họ trong tương lai. Đừng ngại trao đổi về những băn khoăn, thắc mắc để có được những lời khuyên hữu ích nhất từ bác sĩ.
- Khi siêu âm ở tuần thứ 18, chắc chắn các mẹ sẽ rất vui mừng, phấn khích khi có thể nhìn thấy diện mạo của bé. Việc siêu âm cũng có thể đảm bảo bé côn của mình đang phát triển tốt, khiến các mẹ giảm lo lắng rất nhiều.
- Các mẹ sẽ có những hành động bản năng như ôm lấy bụng để bảo vệ con trong những trường hợp khẩn cấp.

2.2 Những thay đổi của mẹ về mặt thể chất
- Đau lưng: Triệu chứng đau lưng sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng vì cơ thể phải chịu tải khi bụng ngày một lớn lên.
- Bụng lộ rõ: Khi thai 18 tuần, tử cung đã cao ngang rốn, bụng ngày càng lộ rõ, vùng dưới cánh tay đến eo ngày càng to hơn. Nếu mẹ bầu mang thai lần 2, bụng sẽ con lớn hơn nhiều vì cơ bụng bị giãn ra.
- Tăng cân: Có thể ước tính sự tăng cân của cơ thể mẹ thông qua chỉ số khối lượng cơ thể BMI (Body mass index) so với trước khi mang thai. Chỉ số BMI= Cân nặng (kg) x (chiều cao x chiều cao) (m). Mức tăng cân lý tưởng cho mẹ bầu tuần thứ 18 là từ 4 – 5 kg.
- Tim hoạt động liên tục: Tim bơm khoảng 7l máu/ 1 phút để di chuyển khắp cơ thể. Các mạch máu của mẹ sẽ phình to ra do sự thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể. Nó giúp cho máu lưu thông dễ dàng hơn. Đây là nguyên nhân gây ra bệnh giãn tĩnh mạch và trĩ khi mang thai. Mẹ bầu không cần quá lo lắng về điều này, các hiện tượng sẽ giảm dần sau khi bạn sinh em bé.
- Nóng ran ngực, nách, háng: Vì nhiệt độ cơ thể tăng lên so với bình thường, mẹ bầu sẽ ra mồ hôi liên tục. Các mẹ hãy chọn cho mình quần áo làm từ cotton, đúng kích cỡ để cảm thấy thoải mái nhất có thể.
- Nám da: Do thay đổi nội tiết bên trong cơ thể, khi mang thai, da sẽ trở nên xỉn màu hơn, lỗ chân lông to, da tiết nhiều đầu, xuất hiện nám. Đây chỉ là hiện tượng bình thường khi mang thai và sẽ dần biến mất khi bé ra đời nên mẹ không cần quá lo lắng.
- Chóng mặt: Mẹ bầu không nên đứng quá lâu trong một tư thế, bật dậy đột ngột mà cần thời gian để thích nghi với sự thay đổi tư thế..
- Bánh nhau có thể nằm ở đáy tử cung: Dù bánh nhau được gắn kết chặt chẽ với thành tử cung. Tử cung của mẹ sẽ ngày càng lớn hơn để phù hợp với sự phát triển của bé nên banh nhau không cần thiết phải cố định ở một chỗ.

3. Mẹ bầu nên làm gì khi mang thai 18 tuần
- Khi thai 18 tuần tuổi, mẹ có thể cảm thấy khô mắt, mờ mắt do hormone thai kỳ. Hormone sản xuất nước mắt bị giảm dẫn đến tình trạng khô mắt, dịch trong mắt tăng lên làm tròng mắt mẹ thay đổi gây ra tình trạng cận thị hoặc viễn thị ở mẹ. Khi thấy thị lực mờ đi rõ rệt, hoa mắt, các mẹ cần phải liên hệ ngay đến bác sĩ để chữa trị kịp thời.
- Mẹ bầu cần thực hiện đầy đủ các cuộc xét nghiệm của bác sĩ như: kiểm tra đường trong nước tiểu; đo huyết áp, cân nặng; kiểm tra kích thước tử cung; kiểm tra nhịp tim của bé, siêu âm thai 18 tuần tuổi 4D để phát hiện dị tật nếu có, đo chiều cao, cân nặng của bé;…
- Trao đổi với bác sĩ những triệu chứng khi mang thai để bác sĩ có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích.

4. Những thực phẩm mẹ nên bổ sung khi thai 18 tuần
Cân nặng của bé sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn uống của mẹ. Vì vậy các mẹ cần:
- Áp dụng chế độ ăn carbohydrate, ăn nhiều trái cây, rau củ, rau xanh, cung cấp đủ protein, các sản phẩm từ trứng, sữa, chất béo tốt,…
- Bổ sung cá hồi vào thực đơn, cá hồi chứa rất nhiều omega 3 cần thiết cho sự phát triển não và mắt của thai nhi.
- Uống thêm sữa, các loại nước ép từ trái cây, rau củ để bổ sung vitamin, khoáng chất cho cơ thể.
- Bổ sung thêm sắt từ thịt bò, gà, heo, đậu, rau chân vịt, yến mạch, rong biển,…
- Hạn chế ăn những loại cá chứa nhiều thủy ngân như cá thu, cá kiếm, cá kình. Đây là những loại cá có chứa chất độc hại cao, ảnh hưởng tới sự phát triển của bé.
- Cẩn thận với những loại thảo mộc, thảo dược tràn lan trên thị trường khi chưa được kiểm chứng, chưa được sự cho phép của bác sĩ. Các loại thảo mộc như dầu húng quế, dầu đinh hương,… có thể gây ra những nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé.

6. Một số bài tập phù hợp cho mẹ bầu 18 tuần
Mẹ bầu nên tham khảo những động tác, bài tập để có được cơ thể thoải mái, khỏe mạnh:
- Tập yoga hoặc pilates nhẹ nhàng để giúp mẹ kéo giãn và thả lỏng cột sống và giải phóng căng thẳng trong cơ thể. Những môn này cùng làm giảm tình trạng đau lưng cho mẹ.
- Căng chân: Ngồi thẳng lưng, hai tay chống sàn, hai chân duỗi. Hít vào rồi đẩy chân về phía sàn nhà rồi thở ra.
- Quay bàn chân: Ngồi thẳng lưng, hai tay chống sàn, hai chân duỗi. Hít vào rồi đẩy chân về phía sàn nhà rồi quay bàn chân một vòng. Thở ra, quay chân một vòng ngược lại và kéo chân về.
- Giãn khớp hông: Ngồi thẳng lưng, cho hai lòng bàn chân hướng vào nhau. Hít vào rồi thở ra để thư giãn.
- Giãn tay: Ngồi thẳng lưng, hai chân xếp bằng, đưa hai tay lên đầu. Hít vào, duỗi thẳng tay phải, căng cơ hông, thở ra. Lặp lại tương tự với tay bên trái.

Mẹ bầu hãy nhớ thực hiện những động tác, bài tập này hàng ngày, mỗi động tác lặp lại khoảng 5 lần và bổ sung đủ nước cho cơ thể. Sau mỗi 30 phút tập luyện, vận động nặng thì hãy bổ sung một ly nước.
7. Vì sao mẹ nên siêu âm thai 18 tuần tuổi?
Siêu âm thai 18 tuần tuổi bằng siêu âm 4D giúp mẹ mang thai 18 tuần có thể nhìn thấy được hình ảnh bé sắc nét và rõ ràng và cũng với mục đích như:
- Sàng lọc dị tật thai nhi ở bé
- Kiểm tra thời gian dự sinh em bé
- Đánh giá tốc độ phát triển và vị trí của thai nhi và chẩn đoán một số vấn đề ở trong bụng mẹ
- Theo dõi sức khỏe của bé khi thực hiện các xét nghiệm như: nội soi thai, chọc ối hay cần tiến hành mổ lấy thai
Để chào đón bé con ra đời khỏe mạnh thì các mẹ cần phải chăm sóc bản thân, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, theo dõi sức khỏe thường xuyên. Hy vọng bài viết đã giúp mẹ giải đáp vấn đề thai 18 tuần nặng bao nhiêu, bé khi 18 tuần tuổi phát triển như thế nào. Mong rằng các mẹ sẽ lưu ý và thực hiện theo những lời khuyên hữu ích được nêu trên.
Lưu ý: Các bài viết của Mama Sữa Non Colos Multi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Thai 16 tuần phát triển như thế nào? Mẹ nên ăn gì?
Thai nhi 17 tuần nặng bao nhiêu? Những thay đổi của mẹ
Chỉ số thai nhi 19 tuần phát triển như thế nào?
Thai nhi 20 tuần: Sự phát triển và cân nặng của bé