Tam Cá Nguyệt 2
Thai 14 tuần phát triển như thế nào? Dấu hiệu bé khỏe mạnh
Đăng ngày | Chuyên mục | Tác giả |
23/07/2022 | Tam Cá Nguyệt 2 | Dược sĩ Hoàng Thị Tuyết |
Ở tuần thai thứ 14, mẹ đã bắt đầu quen dần với cuộc sống của một thai phụ. Mẹ cảm thấy thoải mái hơn, các triệu chứng thai nghén đầu chu kỳ cũng không làm mẹ mệt mỏi như trước nữa. Đây cũng là giai đoạn thai nhi có nhiều chuyển biến mới. Cùng tìm hiểu sự phát triển của mẹ và bé trong giai đoạn thai 14 tuần.

1. Thai 14 tuần phát triển như thế nào?
Ở thai nhi tuần thứ 14, cơ quan kiểm soát mắt của bé đã bắt đầu hoạt động. Bé lúc này đã có thể thực hiện những chuyển động mắt qua hai bên mặc cho mí vẫn còn khép kín. Mắt bé sẽ nhạy cảm hơn khi có nguồn sáng mạnh chiếu vào bụng mẹ.
Thai 14 tuần có sự thay đổi nhẹ về cân nặng và kích thước. Bé lúc này có cân nặng khoảng 93g và chiều dài khoảng 147mm, kích thước tương đương với một quả chanh vàng. Một số trường hợp, kích thước của bé có thể to hoặc nhỏ hơn mức này, tuy nhiên mẹ không cần quá lo lắng. Thay vào đó, khi thăm khám, siêu âm bác sĩ sẽ tư vấn rằng cân nặng này là ổn hay không.
Tham vấn y khoa: Dược khoa Trương Anh Thư

Đây cũng là giai đoạn mà cơ quan miệng của bé hoạt động nhiều hơn, bé có thể mở miệng và di chuyển đôi môi bé xíu của mình. Các chuyển động thở và nuốt vẫn tiếp tục được thực hành, để đảm bảo nước ối liên tục được xử lý vào và ra. Lượng nước ối bao quanh lúc này chỉ khoảng 1 tách trà, nhưng đủ để bảo vệ và nâng đỡ bé.
Ngoài ra, ở thai nhi tuần thứ 14, bé đã có thể cảm nhận được dây rốn của mình và thi thoảng sẽ nắm chặt lấy nó. Việc nắm chặt dây rốn có thể khiến lượng máu đang lưu thông bị hạn chế, nhưng bé sẽ tự động buông ra trước khi trường hợp đó xảy ra.
Một số chỉ số của thai nhi trong giai đoạn thai 14 tuần như sau:
- Chỉ số BPD: Đường kính lớn nhất của mặt cắt vòng đầu bé sẽ dao động trong khoảng từ 19-31mm và trung bình là 25mm;
- Chỉ số FL: Chiều dài xương đùi của bé khoảng 14mm;
- Chỉ số CRL: Đây là chỉ số về chiều dài đầu mông của thai nhi, ở giai đoạn này là khoảng 87mm;
- Chỉ số HC: Chỉ số chu vi đầu của thai nhi, nằm trong khoảng từ 91- 103mm
- Chỉ số AC: Được gọi là chỉ số chu vi vùng bụng của thai nhi dao động từ 72 – 104mm và trung bình là 88mm
2. Mang thai 14 tuần cơ thể mẹ thay đổi như thế nào?
2.1 Những thay đổi về mặt cảm xúc
Những thay đổi đầu tiên đến từ mặt cảm xúc và tinh thần của mẹ. Ở giai đoạn bầu 14 tuần, mẹ gần như đổ dồn hết tâm trí vào bào thai đang lớn dần trong bụng mình. Rất khó để mẹ có thể tập trung hoàn toàn vào công việc hay bất cứ chuyện gì khác. Mẹ có thể có chút lo lắng, bất an liệu bé có đang phát triển tốt không, hay có điều gì không ổn mà mẹ không biết hay không. Những suy nghĩ đó cứ dần chiếm lấy tâm trí mẹ. Tuy nhiên, đây là trạng thái cảm xúc hoàn toàn bình thường, có thể gặp ở bất cứ bà bầu nào nên mẹ đừng quá lo lắng nhé.

Mang thai đôi khi cũng làm mẹ nhớ đến những hồi ức với ba mẹ của mình. Mẹ có thể hồi tưởng lại thời thơ ấu với những kỷ niệm sâu sắc. Điều này là hoàn toàn bình thường vì việc mang thai cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời của người phụ nữ.
2.2 Những thay đổi về mặt thể chất
Khi thai nhi phát triển thêm về kích thước, phần chóp trên tử cung của mẹ sẽ nô cao hơn so với xương chậu khoảng 16cm. Do đó, khi nhìn vào bụng mẹ ở thời điểm này rất dễ nhận biết là mẹ đang có thai.
Tình trạng chảy máu chân răng bắt đầu xảy ra ở giai đoạn thai 14 tuần. Mẹ sẽ cảm thấy răng và nướu mình nhạy cảm và dễ chảy máu hơn khi đánh răng. Mẹ vẫn duy trì đánh răng đều đặn 2 lần mỗi ngày, tuy nhiên nên ưu tiên dùng loại bàn chải có đầu lông mềm. Ngoài ra, sử dụng kem đánh răng riêng cho răng nhạy cảm cũng là một lựa chọn tốt. Các dụng cụ khác như chỉ nha khoa, gạt lưỡi cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, mẹ nên khám răng ít nhất 1 lần trong suốt thai kỳ vì các chứng như viêm lợi, viêm nướu có thể là nguyên nhân dẫn đến sinh non.

Hệ tiêu hoá của mẹ trong giai đoạn thai nhi tuần thứ 14 sẽ có chút khó chịu. các cơn táo bón, khó tiêu có thể xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn. Do đó, mẹ đừng quên bổ sung thêm nhiều rau củ quả, men vi sinh cũng như thường xuyên tập thể dục để hệ tiêu hoá hoạt động tốt hơn.
Đây cũng là giai đoạn mà dịch âm đạo của mẹ sẽ tiết ra nhiều hơn, tuy nhiên điều này là khá bình thường. Dịch âm đạo lúc này sẽ có màu hơi trắng đục, hoặc trong và gần như không mùi. Các tế bào sản xuất chất nhầy trong âm đạo của mẹ sẽ giúp bảo vệ và chống viêm nhiễm âm đạo.
Các cơn đau dây chằng có thể làm mẹ khó chịu trong giai đoạn này. Nguyên nhân là do dây chằng và các cơ đang phải làm việc cật lực để hỗ trợ tử cung to ra. Để hạn chế những cơn đau ập đến, mẹ nên tránh di chuyển bất ngờ, hạn chế đừng quá lâu và ngồi đúng tư thế.
3. Mẹ nên lưu ý gì khi mang thai ở tuần 14
Thai 14 tuần mặc dù không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe và tinh thần của mẹ, tuy nhiên mẹ vẫn cần có một số lưu ý như sau:
- Đây là giai đoạn cơ thể mẹ đã lấy lại được năng lượng và bắt đầu tập trung vào những việc cần thiết. Mẹ có thể tìm hiểu về chế độ nghỉ thai sản của mình ngay từ bây giờ và tính toán kế hoạch chi tiêu sao cho hợp lý nếu quỹ lương bị giảm đi một phần.
- Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở thời điểm này là cần thiết. Mẹ có thể tìm hiểu thêm về các dịch vụ cho bà bầu, dịch vụ cho cả mẹ và bé. Đây cũng là thời điểm thích hợp để mẹ trang trí lại phòng ốc trong nhà mình, chuẩn bị cho một kỳ hạ sinh mới.
- Nếu mẹ mang thai ở thời điểm dễ xảy ra dịch cúm thì tiêm ngừa vaccine là điều nên làm ngay từ thời điểm này. Các loại vaccine phòng cúm hầu như sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi và chỉ có tác dụng bảo vệ cho thai phụ.
- Vệ sinh răng miệng trong giai đoạn này cũng rất quan trọng, đặc biệt là khi các triệu chứng chảy máu chân răng bắt đầu xuất hiện. Việc làm sạch răng đúng cách sẽ giúp mẹ phòng tránh các bệnh viêm nướu. Ở giai đoạn này, mẹ vẫn duy trì đánh răng 2 lần/ngày và ưu tiên sử dụng các dòng bàn chải, kem đánh răng dành cho răng nhạy cảm.
- Sắc tố da của mẹ trong giai đoạn này cũng sẽ sậm hơn, do đó mẹ đừng quên sử dụng kem chống nắng để bảo vệ. Hầu hết các loại kem chống nắng đều an toàn để sử dụng khi mang thai nên mẹ có thể yên tâm.
- Thường xuyên ngâm mình trong nước nóng cũng là một cách để mẹ cảm thấy thư giãn hơn.

4. Chế độ dinh dưỡng của mẹ ở tuần 14
Ở giai đoạn này, tình trạng nghén đã không còn nặng như trước nên mẹ không cần kiêng khai khắt khe như giai đoạn đầu. Thay vào đó, mẹ hãy bổ sung đầy đủ các nhóm nhất, đa dạng thực phẩm để cung cấp dinh dưỡng toàn diện cho cả mẹ và bé.
Giai đoạn này bé đã bắt đầu phát triển về xương nên mẹ cần bổ sung nhiều canxi. Trung bình mẹ cần phải bảo đảm cung cấp đủ canxi 1200mg/ngày. Dưỡng chất này sẽ có nhiều trong các loại sữa tươi, hải sản, trứng,… nên mẹ lưu ý bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày.

Ngoài ra, các nhóm chất mà mẹ cần nạp vào cơ thể gồm có:
- Nhóm chứa nhiều tinh bột: ngô, khoai, bí đỏ, củ dền…
- Nhóm chứa nhiều protein: cá, thịt, trứng, các loại đậu…
- Nhóm chứa nhiều sắt: trứng gà, đậu phụ, thịt bò, lúa mạch, cải bó xôi…
- Nhóm chứa nhiều kẽm: cua, trai, hến, ngao, các loại hạt…
- Nhóm chứa nhiều vitamin C: cam, bưởi, thanh long, việt quất, ổi, đu đủ…
Và hạn chế các thực phẩm không tốt cho thai nhi như:
- Đồ ăn sống, chưa qua chế biến: gỏi, hàu sống, sushi…
- Hải sản chứa nhiều thủy ngân như vi cá mập, cá thu, cá kiếm…
- Rau củ bị nảy mầm như khoai lang, khoai tây…
- Đồ uống có chứa chất kích thích như cafe, rượu, bia…
Một lưu ý nhỏ, mẹ hãy chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa để hệ tiêu hoá hấp thụ tốt hơn, đồng thời làm giảm cảm giác đói, dẫn đến ăn quá nhiều. Thay vì ăn nhiều vào 3 bữa chính như bình thường thì mẹ có thể chia thành 6 bữa nhỏ/ngày.
5. Những bài tập phù hợp cho mẹ ở tuần 14 của thai kỳ
Ở giai đoạn thai 14 tuần, mẹ nên ưu tiên tập các bài tập giãn cơ nhẹ nhàng. Mẹ có thể tham khảo các lớp học yoga gần nhà, lớp thể dục dành riêng cho bà bầu để tập luyện được tốt nhất. Các bài tập có tác dụng phụ trợ xương khớp, tăng cường sức khỏe cho cơ thể nên mẹ cũng không cần phải tập quá sức.

6. Dấu hiệu thai 14 tuần khỏe mạnh mẹ nên biết?
Trong giai đoạn thai 14 tuần, mẹ cần biết được những điều để biết được bé có khỏe mạnh hay không:
- Nhịp tim của bé khoảng 140-150 nhịp/phút
- Bộ phận sinh dục của thai nhi tuần thứ 14 đang hoàn thiện
- Ruột đã thực hiện chức năng khi thai nhi thải phân su
- Gan thiết mật
- Tuyến giáp bắt đầu sản sinh hóc môn
- Trên mặt thai nhi tuần thứ 14 có lông tơ
- Nang tóc bắt đầu hình thành.
Thai 14 tuần hay bất kỳ giai đoạn nào trong thai kỳ, mẹ cũng cần lưu ý về cả chế độ dinh dưỡng, tập luyện và thăm khám để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé luôn tốt nhất. Hy vọng những thông tin tổng hợp trên đây đã giúp mẹ an tâm hơn dưỡng thai trong giai đoạn này.
Lưu ý: Thông tin trên trang web này không nên được sử dụng để thay thế cho việc chăm sóc y tế và lời khuyên của bác sĩ nhi khoa của bạn. Có thể có các cách điều trị khác nhau mà bác sĩ nhi khoa của bạn có thể đề nghị dựa trên các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Thai 11 tuần phát triển như thế nào? Lời khuyên dành cho mẹ
Thai 13 tuần đã ổn định chưa? Những dấu hiệu bé khỏe mạnh
Thai nhi 12 tuần tuổi phát triển như thế nào? Lời khuyên cho mẹ
Thai 15 tuần phát triển như thế nào? Bé nặng bao nhiêu gram?