Tam Cá Nguyệt 2
Thai nhi 20 tuần: Sự phát triển và cân nặng của bé
Đăng ngày | Chuyên mục | Tác giả |
23/07/2022 | Tam Cá Nguyệt 2 | Dược sĩ Hoàng Thị Tuyết |
Khi mẹ mang thai 20 tuần thì em bé trong bụng phát triển như thế nào, nặng bao nhiêu và cơ thể mẹ có những thay đổi gì? Bài viết sau sẽ cung cấp cho mẹ bầu những thông tin cơ bản về hành trình thai kỳ ở tháng thứ 5 và những lưu ý quan trọng mà mẹ cần nhớ.

1. Thai nhi 20 tuần phát triển như thế nào?
Thai 20 tuần là lúc bé yêu trong bụng mẹ đã có sự phát triển vượt bậc, đặc biệt là não bộ. Thời điểm này thai 20 tuần nặng bao nhiêu, trọng lượng cơ thể bé tăng gấp 10 lần, não cũng phát triển đến 6 lần và mẹ sẽ tăng trung bình 0.5 kg/tuần (bé có thể nặng từ 250 gam – 330 gam), tương đương một quả xoài.
Tham vấn y khoa: Dược khoa Trương Anh Thư
Bên cạnh đó, kích thước cơ thể bé có thể đạt các chỉ số thai nhi 20 tuần như sau:
- Đường kính lưỡi đỉnh: 40 – 52mm, trung bình 46mm
- Chiều dài xương đùi: 30 – 36mm, trung bình 31mm
- Chu vi bụng: 139 – 179 mm, trung bình 159mm
- Chu vi đầu thai nhi: 167 – 187mm, trung bình 177mm
Bước vào giai đoạn này, thai nhi dần lớn hơn và vị trí thai nhi 20 tuần tuổi ngày càng chiếm một không gian đáng kể bên trong tử cung mẹ. Tuy nhiên bé vẫn còn đủ không gian để có thể thực hiện các động tác duỗi người, nhào lộn. Mỗi ngày, mẹ sẽ có cảm giác như bé đang luyện võ với các cú huých, cú đạp bên trong bụng.

Thai nhi được đánh giá là phát triển khỏe mạnh khi ở tuần thứ 20 thai kỳ, bé biết cách nắm chặt dây rốn, ngậm ngón tay và đôi khi còn nấc cục. Lúc này, lớp mỡ dưới da bé đang dần trở nên dày hơn, trên các ngón tay nhỏ xíu của bé đã bắt đầu có móng.

Khi thai 20 tuần cũng là lúc các bộ phận sinh dục của bé phát triển rõ rệt. Nếu là bé gái, âm đạo và tử cung đã xác định được vị trí và từng bước phát triển. Ở các bé trai, tinh hoàn đi từ bụng xuống bìu. Ngoài ra, tháng thứ 5 của thai kỳ thì tứ chi của thai nhi vẫn tiếp tục phát triển tốt.
Ở tuần 20, bé cũng dần học cách để tương tác và “làm quen” với mé. Trong y khoa gọi là thai máy. Bé sẽ vặn mình và chuyển động nhiều hơn bên trong bụng mẹ. Thỉnh thoảng, mẹ sẽ cảm nhận bé có những cử động rất nhẹ nhàng, dễ chịu.

Đây là thời kỳ đánh dấu một bước phát triển vượt bậc trong não bộ của bé. Từ tháng thứ 5 cho đến cuối thai kỳ, não thai nhi tiếp tục tăng trưởng về số lượng tế bào, hình thành những kết nối phức tạp và các chức năng, cấu trúc não hoàn thiện nhanh chóng hơn. Ước tính, não bé tăng đến 6 lần cả khối lượng và kích thước trong khoảng thời gian còn lại của thai kỳ.

Khi mẹ mang thai 20 tuần, vị trí nằm của bé sẽ không cố định. Từ đây cho đến khi chuyển dạ, bé có thể linh hoạt thay đổi vị trí, chuyển sang các tư thế nằm khác nhau để cơ thể phát triển một cách tốt nhất. Khi bước vào những tuần cuối thai kỳ, bé mới quay đầu xuống để chuẩn bị ra đời.
2. Những thay đổi của mẹ khi mang thai 20 tuần
2.1 Thay đổi của mẹ về mặt cảm xúc
Khi mang thai nhi 20 tuần, mẹ sẽ có nhiều thay đổi về mặt cảm xúc. Các bà bầu cảm thấy mình hay quên, dẫn đến nhiều tình huống dở khóc dở cười. Các chuyên gia cho rằng mẹ bầu không nên làm nhiều việc cùng lúc vì sẽ giảm mất sự tập trung. Thay vào đó, bà bầu chỉ nên làm một việc tại một thời điểm, làm xong việc này rồi chuyển sang việc khác. Mẹ không nên quá khắt khe với chính mình vì bạn đang có một vai trò quan trọng, đó là chăm sóc cho thai nhi trong bụng khỏe mạnh để lớn lên từng ngày.

Ở giai đoạn thai nhi 20 tuần tuổi, nhiều thai phụ mới chắc chắn rằng mình sắp làm mẹ. Điều này khiến nhiều chị em lo lắng, cảm thấy hoang mang và đôi chút nghi ngại về việc mình sẽ trở thành một người mẹ như thế nào. Tuy nhiên mẹ đừng quá lo lắng mà hãy tập trung vào chăm sóc bản thân mình để bé cũng được chăm sóc tốt từ những ngày còn trong bụng mẹ.
2.2 Những thay đổi của mẹ về mặt thể chất
Tử cung giãn mạnh
Từ tuần 20 – 26 thai kỳ, tử cung của mẹ sẽ giãn mạnh khiến cho dung tích phổi thu lại, điều này khiến nhiều chị em cảm thấy khó thở. Tuy nhiên mẹ đừng quá lo lắng vì lồng ngực sẽ được đẩy dần lên phía trên để có nhiều không gian hơn cho việc hít thở. Song song đó, xương sườn của bạn cũng dẫn chuyển sang hai bên với khả năng giãn ra khá linh hoạt.
Khó tiêu, ợ nóng
Mẹ bầu sẽ cảm thấy rất khó chịu khi nội tiết tố gây giãn cơ thành ruột, dẫn đến hiện tượng khó tiêu và ợ nóng. Vì thế, thai phụ nên chọn lọc các loại thực phẩm dễ tiêu, đặc biệt là ăn nhiều rau xanh và trái cây. Một số món như thịt nướng hay cà ri là thực phẩm mà mẹ nên tránh vì chúng sẽ khiến tình trạng khó tiêu, ợ nóng trở nên trầm trọng hơn.

Táo bón
Kèm theo chứng khó tiêu chính là hiện tượng táo bón do tử cung lớn dần, tạo áp lực lên dạ dày khiến quá trình tiêu hóa không được thoải mái. Vì thế, các bác sĩ khuyên bà bầu nên uống nhiều nước, nạp nhiều chất xơ từ rau củ, trái cây. Các loại mì chế biến sẵn và cả bánh mì là nhóm thực phẩm khó tiêu mà mẹ nên tránh. Trường hợp quá khó khăn để đi đại tiện, bạn có thể liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ.
Phù nề
Ở tháng thứ 5 thai kỳ, mẹ bầu cũng dễ bị phù nề khi chân và mắt cá chân có hiện tượng sưng lên. Nguyên nhân của tình trạng phù nề ở thai phụ là do cơ thể tích nhiều nước hoặc đứng quá lâu. Các chuyên gia khuyên bạn nên đi giày rộng rãi giày bình thường một chút vì chân có thể còn to hơn trong vài tuần sắp tới.
Nổi mụn
Sự thay đổi nội tiết tố là nguyên nhân khiến bà bầu dễ bị mụn. Vì thế nếu bạn ăn những món ngọt hoặc nhiều dầu mỡ thường xuyên, da sẽ rất dễ bị mụn. Giai đoạn thai nhi 20 tuần, mẹ bầu không thể sử dụng bất kỳ loại thuốc trị mụn dạng uống hay dạng bôi đặc trị nào vì sẽ nguy hiểm cho thai nhi. Tốt nhất, mẹ chỉ nên rửa mặt với sữa rửa mặt dịu nhẹ hàng ngày. Nếu cần phải dưỡng ẩm hoặc trang điểm, bạn nên ưu tiên mỹ phẩm không chứa dầu, tránh gây mụn nặng hơn.

Giãn tĩnh mạch
Mỗi ngày, thai nhi càng tăng trưởng mạnh mẽ sẽ tạo một áp lực lớn lên hệ thống mạch máu ở đây gây ra chứng giãn tĩnh mạch. Trong thai kỳ, hàm lượng Progesterone tăng cao còn khiến cho tình trạng ngày càng tệ hơn. Muốn cải thiện hiện tượng này, việc kê cao chân lúc ngủ, nằm nghiêng trái hay tập thể dục đều đặn sẽ là giải pháp hữu ích.
Tóc và móng phát triển
Khi thai nhi 20 tuần, mẹ sẽ thấy rằng cả tóc và móng tay đều mọc nhanh và khỏe hơn rất nhiều. Nguyên nhân là do các hormone thai kỳ đã bổ sung dưỡng chất cho các tế bào tóc và móng. Tuy nhiên, mẹ nên chăm sóc cơ thể cẩn thận vì rất có thể sau sinh mẹ sẽ đối diện với tình trạng tóc gãy rụng nhiều.
3. Mẹ nên làm gì khi mang thai 20 tuần
Ở tuần thứ 20 của thai kỳ, mẹ nên:
- Giảm căng thẳng, lo lắng quá mức về việc mang thai
- Ngủ đủ giấc, ngủ sớm vào buổi tối và không bỏ giấc ngủ trưa
- Tập thể dục nhẹ nhàng vào buổi sáng và buổi tối, giúp cơ thể dẻo dai, tinh thần thư thái
- Bổ sung Omega 3 và DHA bằng các loại thực phẩm như hàu, cá trích, cá hồi,…
- Ăn thêm các loại hạt giàu vitamin A, B, E như hạt hướng dương, óc chó, hạt dẻ, hạt điều,…
4. Những thực phẩm mẹ nên bổ sung khi thai 20 tuần
Thực phẩm giàu chất sắt
Khi thai 20 tuần, sắt là chất có vai trò quan trọng trong việc sản xuất tế bào hồng cầu ở thai nhi, giúp phòng ngừa thiếu máu và sinh non hoặc bé bị nhẹ cân. Mẹ nên ăn đầy đủ từ 27 – 30 mg sắt mỗi ngày hoặc bổ sung các viên uống có chứa sắt.

Nhóm thực phẩm giàu chất sắt bao gồm thịt đỏ, thịt heo, gan, thịt bò, trứng, đậu khô, trái cây sấy, rau bina, mầm lúa mì, cháo yến mạch, rau muống,… Bên cạnh đó, mẹ cùng cần bổ sung thêm vitamin C giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Vitamin C có nhiều trong cam, quýt, ổi, ớt chuông, kiwi,…
Các loại hạt
Ở tháng thứ 5 của thai kỳ, não bộ của bé phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi mẹ nạp nhiều dưỡng chất thiết yếu như: vitamin A – B1 – B2, DHA, Choline… Thai phụ có thể ăn các loại hạt như óc chó, hạnh nhân, hạt dẻ, macca để đáp ứng nhu cầu vitamin và khoáng chất của mẹ và bé. Đồng thời ăn hạt còn giúp bé giảm nguy cơ dị ứng sau khi ra đời.
5. Một số bài tập phù hợp cho mẹ bầu 20 tuần
Khi thai 20 tuần, mẹ bầu nên chú ý đến việc tập luyện và vận động để chuẩn bị tốt hơn cho quá trình sinh nở sắp tới. Các bài tập tập như đi bơi, đi bộ hoặc thư giãn cơ rất tốt cho sàn khung xương chậu. Đặc biệt, bài tập Kegels có hiệu quả tốt trong việc tăng cường sức mạnh của cơ xung quanh âm đạo, niệu đạo và hậu môn. Tập Kegels giúp cho mẹ bầu không bị són tiểu khi cười hoặc hắt hơi.

Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng khuyên mẹ nên tập yoga để kéo giãn cơ, giảm những cơn đau lưng dưới trong quá trình mang thai và ổn định huyết áp. Ngoài ra, bạn cũng nên học cách hít thở để cảm thấy thư thái, thoải mái và nhẹ nhàng hơn.
6. Những thắc mắc của đa số mẹ bầu tuần 20
Nhiều mẹ bầu thắc mắc rằng thai 29 tuần độ trưởng thành 1 là gì? Đây là chỉ số đánh giá độ trưởng thành của nhau thai, dựa trên quá trình canxi hóa. Nếu mẹ bầu được xác định độ trưởng thành 1 thì điều này có nghĩa là màng ối không bị rung động, không bị rạn nứt và được xác định một cách rõ ràng.
Ở tuần 20 của thai kỳ, nếu bụng thường xuyên căng cứng cũng là hiện tượng khá bình thường vì thai nhi đang dần lớn lên và bụng của mẹ đang thích nghi với điều này. Khi em bé trong bụng càng lớn thì áp lực đè lên bụng dưới và xương cũng nhiều hơn, gây cảm giác căng tức.
Mỗi khi thấy căng tức bụng, mẹ không nên nhịn tiểu, xoa bụng, vặn mình hay quan hệ tình dục. Vì đây là những động tác không tốt cho thai nhi. Lưu ý rằng nếu hiện tượng căng tức kéo dài liên tục trong 2 – 3 tiếng và có chảy máu, mẹ nên đến bệnh viện ngay để bác sĩ kiểm tra.
Mang thai 20 tuần nghĩa là mẹ và bé đã đi hơn một nửa đoạn đường của 9 tháng thai kỳ. Vì thế, mẹ cần chú ý đến sự phát triển của bé để biết cách chăm sóc tốt cho sức khỏe của hai mẹ con, tạo tiền đề cho những tháng thai kỳ tiếp theo thoải mái, thuận lợi hơn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Thai 16 tuần phát triển như thế nào? Mẹ nên ăn gì?
Thai nhi 17 tuần nặng bao nhiêu? Những thay đổi của mẹ
Thai 18 tuần nặng bao nhiêu? Mẹ có nên siêu âm thai không?
Chỉ số thai nhi 19 tuần phát triển như thế nào?