Tam Cá Nguyệt 3
Thai nhi 32 tuần tuổi: Sự phát triển và cân nặng của bé
Đăng ngày | Chuyên mục | Tác giả |
23/07/2022 | Tam Cá Nguyệt 3 | Dược sĩ Hoàng Thị Tuyết |
Thai 32 tuần tuổi là mốc quan trọng của thai kỳ. Đây là giai đoạn phát triển gần như hoàn thiện toàn bộ cơ thể của các bé. Vì vậy, việc khám thai 32 tuần là việc cần thiết để bác sĩ kiểm tra hình thái, sự phát triển của bé và đưa ra những lời khuyên mà mẹ cần lưu ý cho giai đoạn cuối của thai kỳ.

1. Mốc khám thai 32 tuần quan trọng như thế nào?
Khi thai nhi 32 tuần, lượng nước ối bao quanh bé sẽ giảm dần và dịch chuyển dần xuống đáy tử cung của mẹ chứ không còn nằm lơ lửng như lúc trước. Bộ não của bé lúc này cũng gần hoàn thiện, bé có thể biểu đạt được những cảm xúc như: cười, cau mày, ngáp,… Việc khám thai tuần 32 sẽ đảm bảo cho việc thai nhi phát triển tốt cho đến lúc bé chào đời.

Bên cạnh đó, khi khám thai tuần 32 bác sĩ sẽ đánh giá được chính xác được sức khỏe tổng thể của thai nhi và hoàn thành việc chuẩn bị cho thai phụ đến ngày dự sinh. Nếu thai nhi gặp vấn đề bất thường, các bác sĩ sẽ nhanh chóng có phương án giải quyết kịp thời để đảm bảo được sức khoẻ của mẹ và bé.
2. Những điều mẹ cần biết khi thai 32 tuần
2.1. Thai 32 tuần tuổi phát triển như thế nào?
Thai 32 tuần nặng bao nhiêu? Cân nặng của bé đã đạt từ 1,5 đến 1,8kg với chiều dài cơ thể khoảng 43 cm. Các bộ phận, cơ quan trong cơ thể bé lúc này đã phát triển gần như hoàn thiện. Không gian xung quanh bé trở nên chật chội hơn nên bé sẽ không còn hoạt động mạnh như lúc trước nhưng mẹ vẫn có thể cảm nhận được các cử động của bé.
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh
Thai nhi lúc này đã có thể mở mắt, nheo mắt, nháy mắt, cử động mắt một cách linh hoạt. Bé đã có thể cảm nhận được ánh sáng chiếu xuyên qua bụng mẹ và tự tránh được ánh sáng, nhắm mắt để hạn chế ánh sáng chiếu vào mắt.

2.2. Cơ thể mẹ thay đổi ra sao khi thai tuần 32?
Mang thai tuần 32 thì bụng của mẹ đã trở nên cồng kềnh, việc di chuyển, ngồi, sinh hoạt ngày càng trở nên khó khăn hơn. Các mẹ sẽ có cảm giác tê từ ngón tay, cổ tay, chân cũng như nhiều vị trí khác trong cơ thể. Núm vú của mẹ cũng sẽ to hơn và sẫm màu hơn.
Thai nhi 32 tuần phát triển lớn và đè lên dạ dày, bàng quang của mẹ sẽ khiến cho cơ hoành, phổi bị đè ép khiến mẹ sẽ có cảm giác khó thở, tức ngực và muốn đi tiểu nhiều lần.

Dịch âm đạo của mẹ cũng sẽ tiết nhiều hơn vào giai đoạn này nên các mẹ phải chú ý vệ sinh phụ khoa sạch sẽ. Khi phát hiện dịch âm đạo có mùi bất thường, ngứa thì phải báo ngay với bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Nếu mẹ bầu bị viêm âm đạo thì nguy cơ sinh non xảy ra rất cao.
Mang thai 32 tuần, nhu cầu chất dinh dưỡng của bé cũng tăng cao. Tình trang chóng mặt cũng sẽ thường xuyên xuất hiện nếu cơ thể mẹ thiếu dinh dưỡng cung cấp cho bé.
2.3 Cơn gò Braxton Hicks xuất hiện
Thai 32 tuần gò cứng bụng là một trong những triệu chứng thường gặp nhất khi mẹ bước vào giai đoạn này. Mẹ bầu cần làm gì để đối mặt với nó?
Cơn gò Braxton Hicks, hay còn gọi là cơn gò chuyển dạ giả khiến cho mẹ gặp nhiều khó khăn. Đây được xem là sự khởi động trước khi cơn gò chuyển dạ thật sự diễn ra. Lúc này, mẹ bầu cảm thấy tử cung như bị thắt chặt hoặc cứng lại bất thường kể từ giai đoạn giữa của thai kỳ. Càng về sau, những cơn gò tử cung càng có xu hướng tăng dần cả về tần suất lẫn mức độ đau. Đối với mẹ bầu đã từng mang thai trước đó, cơn đau này sẽ xuất hiện sớm hơn với cường độ mạnh hơn.
Khi cơn gò Braxton Hicks xuất hiện, thai phụ có cảm giác như bị thắt chặt bắt đầu từ đỉnh tử cung, sau đó lan dần xuống dưới, kéo dài từ 15 đến 30 giây.
Nếu là cơn gò sinh lý, dấu hiệu co thắt tử cung sẽ dừng lại nếu người mẹ thay đổi tư thế. Vì vậy, ngay khi nhận thấy sự xuất hiện của cơn co thắt tử cung, thai phụ nếu đang nằm hoặc ngồi thì cần cố gắng đứng dậy (và ngược lại), để xem tình trạng co thắt có thuyên giảm không. Trường hợp thật sự gặp phải cơn gò chuyển dạ, triệu chứng co thắt tử cung sẽ ngày càng mạnh, đều đặn hơn và không thể cải thiện ngay cả khi người mẹ thay đổi tư thế. Trong tình huống này, thai phụ nên nhập viện càng sớm càng tốt.
2.4 Tử cung phát triển to hơn
Kích thước tử cung ở tuần thai 32 đã khá lớn, vượt qua cả dạ dày. Điều này đồng nghĩa với việc khi thai nhi đạp vào tử cung, có thể sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan xung quanh, gây khó chịu và mệt mỏi với mẹ bầu. Bào thai to ra có khả năng dẫn đến các triệu chứng như rò rỉ nước tiểu, ợ nóng, buồn nôn và khó thở với mức độ tương đối nặng hơn so với các tuần trước đó. Điều này cũng khiến cho bà bầu tuần 32 chán ăn, đôi khi không thể ăn uống được, dễ bị yếu đi, thậm chí ngất xỉu.
2.5 Những thay đổi về tâm lý và cảm xúc ở tuần 32 thai kỳ
Ở tuần 32 thai kỳ, giai đoạn rất gần thời điểm bé chào đời. Mẹ bầu sẽ thường có cảm giác lo lắng nhưng cũng rất háo hức, mong chờ hành trình vượt cạn của mình. Vì vậy, mẹ bầu và gia đình hãy chuẩn bị một tinh thần thật tốt để chào đón thành viên mới trong gia đình. Mọi người trong gia đình cần bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ. Hơn tất cả, các mẹ hãy luôn giữ một tinh thần lạc quan, vui vẻ, thoải mái để chuẩn bị cho quá trình vượt cạn của mình.

3. Chế độ dinh dưỡng cho thai nhi 32 tuần khỏe mạnh
Dinh dưỡng là điều rất quan trọng mà mẹ bầu cần lưu ý để có thể có sức khoẻ tốt cho công cuộc vượt cạn của bản thân.
Thời điểm thai 32 tuần thì mẹ sẽ thường tăng cân và bé cũng có nhu cầu dinh dưỡng tăng cao. Vì vậy, việc bổ sung chất dinh dưỡng là điều cần thiết. Dưới đây là một số thực phẩm, thành phần dinh dưỡng mà các mẹ nên bổ sung nhiều vào cơ thể:
- Chất đạm: Đây là thành phần dinh dưỡng giúp bé tăng cân lên tới 200gr/tuần. Mẹ cần bổ sung 75 – 100g đạm từ những thực phẩm như: thịt, cá, trứng, sữa,… ở giai đoạn này.
- Chất béo: Chất béo trong cá hồi, cá thu sẽ giúp não bé phát triển nhanh hơn.
- Chất xơ: Chất xơ giúp mẹ ngăn ngừa các bệnh táo bón thông qua các loại thực phẩm như: gạo lứt, bông cải xanh, bánh mì, ngô, cần tây…
- Vitamin C: Mẹ bầu cần bổ sung đủ 75mg vitamin C mỗi ngày để tăng sức đề kháng và có cơ thể khỏe mạnh. Hãy ăn các loại trái cây như: cam, ổi, bưởi, chanh,…
- Chất Sắt: Việc thiếu sắt có thể dẫn đến tình trạng sinh non. Vì vậy, mẹ bầu phải bổ sung đủ sắt để sản sinh máu nuôi dưỡng thai nhi, giảm hoa mắt, chóng mặt thông qua các loại thực phẩm như: rau muống, trứng, tim, gan,…
- Canxi: Canxi giúp cho bé hoàn thiện xương, ngăn ngừa các bệnh về xương khớp. VÌ vậy mẹ bầu cần bổ sung canxi qua hải sản, phô mai, sữa,… Mẹ bầu cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung canxi theo dạng uống hoặc thực phẩm chức năng.
- Uổng đủ nước: Mẹ bầu cần bổ sung 2 – 3l nước mỗi ngày để đảm bảo lượng nước ối ổn định và trong. Tuy nhiên, các mẹ nên tránh uống nhiều nước vào ban đêm để không gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.
4. Khám thai tuần 32 – Mẹ cần khám những gì?
Khám thai tuần 32 là một trong 3 mốc khám thai quan trọng nhất. Vì vậy, mẹ bầu sẽ được thăm khám đầy đủ các bước dưới đây:
- Khám thai: Mẹ bầu sẽ được đo huyết áp, cân nặng để đánh giá về tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi ở tuần thai 32.
- Siêu âm hình thái thai: Thai nhi tuần 32 đã rõ nét và mẹ có thể dễ dàng quan sát được các cử động của con thông qua phương pháp siêu âm 5D. Bên cạnh đó, việc siêu âm hình thái thai cũng giúp bác sĩ đánh giá được các bất thường của thai nhi nếu có và có phương án chữa trị kịp thời.
- Tổng phân tích nước tiểu: Thông qua xét nghiệm nước tiểu thì bác sĩ có thể phát hiện các rối loạn như: nhiễm trùng đường tiểu, bệnh thận và đái tháo đường. Mẹ bầu sẽ nhận được tư vấn và hướng dẫn cách phòng tránh, điều trị vào thời gian cuối của thai kỳ.
Thai 32 tuần là giai đoạn cuối cùng của thai kỳ. Việc chăm sóc, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cho mẹ sẽ hạn chế nhiều nguy cơ và biến chứng nguy hiểm sau này như: sinh non, ảnh hưởng đến hệ thần kinh và hô hấp của bé… Vì vậy, bên cạnh xây dựng cho mình một chế độ dinh dưỡng khoa học, nghỉ ngơi hợp lý để thai nhi khỏe mạnh thì việc khám thai tuần 32 là việc quan trọng mà mẹ không thể bỏ qua.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Sự phát triển của thai nhi tuần 31 – Lời khuyên dành cho mẹ bầu
Thai 34 tuần – Sự phát triển và cân nặng của thai nhi
Thai 33 tuần nặng bao nhiêu? Sự phát triển của bé như thế nào?
Thai nhi 35 tuần tuổi phát triển thế nào và cân nặng bao nhiêu?