Tam Cá Nguyệt 2
Thai 25 tuần tuổi – Sự phát triển của bé và lời khuyên cho mẹ
Đăng ngày | Chuyên mục | Tác giả |
23/07/2022 | Tam Cá Nguyệt 2 | Dược sĩ Hoàng Thị Tuyết |
Bước sang tuần thai thứ 25, mẹ bắt đầu có cảm giác căng cứng tại các cơ và dây chằng do sự phát triển nhanh chóng của bé. Thai nhi trong giai đoạn này cũng đang hết mình “cơi nới” cái bọc tù túng của mình. Sự lớn dần của trẻ trong giai đoạn này kéo theo sự thay đổi về mặt thể chất và tinh thần của mẹ. Vậy mang thai 25 tuần, mẹ cần chuẩn bị những gì? Dưới đây là tổng hợp những lời khuyên hữu ích dành cho mẹ.

1. Sự phát triển của thai nhi 25 tuần tuổi
Thai 25 tuần có sự thay đổi về kích thước, cân nặng và hoạt động thường nhật.
1.1. Thai 25 tuần nặng bao nhiêu? Kích thước của thai nhi 25 tuần
Thai 25 tuần nặng bao nhiêu? Khi thai nhi được 25 tuần, bé sẽ nặng khoảng 756 gam, tăng hơn 160 gam so với tuần thứ 24 và dài khoảng 33,7cm cỡ một bắp ngô. Trong giai đoạn này, bé lớn rất nhanh, các mô mỡ quan trọng cũng bắt đầu hình thành dưới da và quanh các cơ quan trong cơ thể. Bé đã bắt đầu có da có thịt hơn trước.
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Mai Hương
1.2. Thai nhi 25 tuần phát triển như thế nào? Tư thế của thai nhi ở tuần 25
Mang thai 25 tuần, bé vẫn chưa có nhiều sự thay đổi về tư thế. Thai nhi chưa quyết định mình sẽ chuyển tư thế nào để chuẩn bị chào đời. Theo đó, phần đầu của bé vẫn nằm gần ngực mẹ, hai bàn chân hướng xuống. Ở các tuần tiếp theo, bé sẽ bắt đầu chuyển mình và thay đổi tư thế sớm.
Thai nhi 25 tuần tuổi phát triển như thế nào? Tuần thai thứ 25, mũi và tai của thai nhi bắt đầu hoạt động. Bé bắt đầu hít nước ối, các mao mạch hình thành trên da nay cũng hình thành trong phổi để hỗ trợ cho quá trình hít thở của thai nhi ngay từ bây giờ. Hai lá phổi bắt đầu sản xuất chất hoạt động bề mặt, chất này sẽ hỗ trợ cho quá trình thở của bé sau khi ra đời. Tuy nhiên, phổi của thai nhi vẫn chưa trưởng thành và không thể oxi hoá máu. Bé cũng bắt đầu cảm nhận được thăng bằng, phân biệt các vùng trên dưới trong bụng mẹ.
Ở giai đoạn thai nhi 25 tuần, tóc bé đã dày hơn và mẹ có thể nhìn rõ màu sắc của tóc, làn da cũng đỡ nhăn nheo hơn trước. Các ngón tay của bé linh hoạt hơn, có thể chủ động co lại, tạo thành nắm đấm. Bé học được cách làm cho mình thư giãn hơn để thích nghi với cuộc sống trong bào thai.

2. Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào khi mang thai 25 tuần
Mang thai 25 tuần, ngoài sự thay đổi về làn da và cân nặng, mẹ có thể gặp phải một số triệu chứng mới. Điều này có thể khiến mẹ thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ. Tuy nhiên mẹ cũng đừng nên quá lo lắng vì đây đều là những triệu chứng hoàn toàn bình thường.
Ở tuần thai thứ 25, bụng mẹ có kích thước cỡ một quả bóng đá. Thông thường, mẹ sẽ tăng từ 7 -8 kg trong suốt thai kỳ, kèm theo đó là tình trạng tăng cân do tích nước. Lúc này, mẹ bắt đầu cảm thấy thai nhi chuyển động nhiều hơn và mạnh hơn. Những cú đá, nhào lộn trong bụng mẹ xuất hiện với tần suất cao hơn. Đây cũng là lúc mà bé bắt đầu phản ứng lại với những tác nhân bên ngoài như âm thanh, giọng nói.

Những tác động về mặt thể chất có thể khiến mẹ mệt mỏi hơn ở giai đoạn thai nhi 25 tuần. Bụng mẹ lớn hơn đồng nghĩa với việc xương chậu của mẹ bầu phải chịu sức nặng từ bào thai. Bụng trệ xuống, nặng hơn, kèm theo một số hội chứng như:
- Hội chứng chân không yên: Khi mắc hội chứng này, mẹ luôn có cảm giác chân phải hoạt động liên tục, nếu không sẽ có cảm giác châm chích hoặc như kiến bò. Triệu chứng này xuất hiện nhiều ở vùng cánh tay, đùi hoặc bàn tay khi mẹ nghỉ ngơi hoặc ngủ. Các chuyên gia vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân của hội chứng, tuy nhiên có thể chẩn đoán một số tác nhân có thể do thiếu hụt sắt và folate. Khi gặp triệu chứng này, mẹ cũng đừng quá lo lắng vì nó sẽ khỏi sau khoảng bốn tuần. Trong thời gian đó, mẹ có thể tham khảo một số phương pháp như tập các bài tập nhẹ nhàng, tắm nước ấm trước khi ngủ, bổ sung thêm thuốc bổ sắt theo chỉ định của bác sĩ, như vậy sẽ giúp giảm nhẹ triệu chứng.
- Tóc dày hơn: Những thay đổi về nội tiết tốt xảy ra trong thai kỳ sẽ ức chế sự rụng tóc như bình thường.
- Hội chứng ống cổ tay: Tình trạng tích nước trong thai kỳ diễn ra ngày một nhiều dẫn đến hiện trạng phù nề ở các bộ phận trên cơ thể của mẹ bầu. Kèm theo đó, triệu chứng quá mẫn dây thần kinh cộng với sự dao động của đường huyết có thể gây nên hội chứng ống cổ tay, biểu hiện qua một số triệu chứng như tê tay, châm chích. Tình trạng thường ở mức nhẹ và sẽ hết sau 10 phút nên mẹ bầu không cần quá lo lắng.
- Trĩ: Khi mang thai 25 tuần, vòng bụng tăng lên tạo áp lực lên các tĩnh mạch vùng chậu, gây nên trĩ. Mặc dù đây là một bệnh lý khá khó chịu, nhưng hầu hết bệnh sẽ tự khỏi sau sinh, trừ một số trường hợp nặng cần đến sự can thiệp của bác sĩ.
- Ợ nóng và khó tiêu: Thai nhi cũng làm tăng áp lực lên hệ tiêu hoá của mẹ, như đẩy axit trong dạ dày lên thực quản, gây ợ nóng.
- Đầy hơi: Suốt thai kỳ, những thay đổi về nội tiết làm quá trình tiêu hoá của mẹ chậm lại, khiến khí ga tích tụ gây chướng bụng và táo bón.
3. Mẹ bầu cần làm gì trong tuần thai thứ 25
Với những thay đổi về cả thể chất và tinh thần, khi mang thai 25 tuần, mẹ nên chuẩn bị cho mình kế hoạch sinh hoạt và dinh dưỡng khoa học hơn. Dưới đây là một số lời khuyên từ chuyên gia:
- Tiếp tục chế độ ăn lành mạnh: Mẹ cần ăn đủ các nhóm chất gồm protein, vitamin, khoáng chất, chất béo tốt và canxi, chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày và tuyệt đối không nên bỏ bữa để bé có điều kiện phát triển tốt nhất.
- Tập các bài tập tốt cho bà bầu: Mẹ nên tham khảo một số bài tập được các bác sĩ gợi ý, tránh các bài tập đối kháng, nâng vật nặng và nằm nửa.
- Uống nhiều nước: Mẹ bầu cần một lượng nước nhiều hơn người bình thường, khoảng 2,5 – 3 lít/ ngày. Uống đủ nước giúp mẹ giảm các tình trạng như phù nề, hạn chế nhiễm trùng và thúc đẩy sự trao đổi chất của cơ thể.
- Dưỡng ẩm: Khi các vết rạn nứt và ngứa ngáy quanh vùng bụng xuất hiện, mẹ có thể khắc phục bằng cách sử dụng các dòng kem dưỡng ẩm lành tính và bôi trước khi đi ngủ.
- Lên kế hoạch sinh: Giai đoạn thai 25 tuần cũng là lúc mẹ nên suy nghĩ dần về phương pháp sinh mà mình mong muốn.
- Chuẩn bị cho em bé: Mẹ có thể bắt đầu mua sắm những vật dụng cần thiết cho bé trước khi bụng lớn hơn và mẹ thấy khó chịu hơn.
- Chuẩn bị các kiến thức sơ sinh: Đặc biệt nếu đây là lần đầu tiên bạn làm mẹ, đây là thời điểm bạn nên chuẩn bị các kiến thức về bé, cách chăm sóc và những điều có thể xảy ra.
- Kiểm soát stress: Nếu mẹ cảm thấy lo âu, hãy cứ bình thường vì đây hoàn toàn là tâm lý hiển nhiên. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những bà mẹ có tư tưởng thiếu tích cực lúc mang thai có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh cao hơn, nên tuần thứ hai mươi lăm của thai kỳ là thời điểm thích hợp để học cách kiểm soát căng thẳng.
- Thăm khám thường xuyên: Để phát hiện sớm những điểm bất thường có thể xảy ra trong thai kỳ mà mẹ không hay biết. Lời khuyên của các chuyên gia sẽ giúp mẹ an tâm hơn.

4. Những dấu hiệu bất thường sản phụ cần lưu ý ở tuần 25 thai kỳ
Không ít các trường hợp mẹ bầu bị sẩy thai do xem nhẹ những triệu chứng bất thường. Do đó, ở giai đoạn thai nhi 25 tuần, mẹ hãy để ý kỹ những thay đổi bất thường của cơ thể. Khi bắt gặp những trường hợp như gò tử cung, ra máu hay bất kì các triệu chứng nào khác, mẹ hãy đến gặp ngay bác sĩ chuyên khoa và trình bày rõ các triệu chứng gặp phải, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phòng tránh và hạn chế triệu chứng, cũng như kế hoạch sinh.
Thai nhi 25 tuần tuổi đang trong giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ, lúc này mẹ bầu cần chú ý:
- Tầm soát dị tật thai nhi toàn diện bằng kỹ thuật siêu âm 4D vượt trội.
- Tầm soát tiểu đường thai kỳ, tránh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
- Kiểm soát cân nặng của mẹ hợp lý để đánh giá tình trạng sức khỏe của thai phụ và sự phát triển của thai nhi.
- Hiểu rõ dấu hiệu dọa sinh sớm (đặc biệt ở những người mang đa thai hoặc có tiền sử sảy thai, sinh non) để được điều trị giữ thai kịp thời.

5. Thai 25 tuần là mấy tháng?
Thai nhi 25 tuần là giai đoạn bước vào 3 tháng giữa thai kì và khoảng 6 tháng hơn. Lúc này nếu mẹ đi siêu âm sẽ nhận thấy hình ảnh thai nhi 25 tuần tuổi đã phát triển và các chỉ số siêu âm của thai nhi với nhiều sự biến đổi hơn về kích thước lẫn cân nặng.
Giai đoạn mang thai 25 tuần, mẹ phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe. Bằng việc trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, mẹ có thể tạo điều kiện để thai nhi phát triển tốt nhất trong giai đoạn này. Trên đây là những tổng hợp hữu ích từ Colos Multi.
Lưu ý: Các bài viết của Mama Sữa Non Colos Multi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Thai 21 tuần: Sự phát triển và cân nặng của thai nhi
Thai nhi 22 tuần: Sự phát triển và cân nặng của bé
Thai 23 tuần phát triển như thế nào? Bé nặng bao nhiêu?
Thai 24 tuần: Sự phát triển & cân nặng của bé như thế nào