Tam Cá Nguyệt 2
Thai 13 tuần đã ổn định chưa? Những dấu hiệu bé khỏe mạnh
Đăng ngày | Chuyên mục | Tác giả |
23/07/2022 | Tam Cá Nguyệt 2 | Dược sĩ Hoàng Thị Tuyết |
Bước sang giai đoạn thai 13 tuần, cơ thể mẹ và bé đều có nhiều sự thay đổi. Bụng mẹ lúc này đã to hơn chút, cùng với đó là các triệu chứng nghén, mệt mỏi giảm dần. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về sự phát triển của mẹ và bé trong kỳ tam cá nguyệt thứ 2 qua bài viết dưới đây.

1. Thai nhi 13 tuần phát triển như thế nào?
Thai 13 tuần có sự thay đổi rõ rệt về kích thước, bé lớn hơn một chút so với lúc trước. Bé lúc này có chiều dài đầu mông khoảng 7,366cm, bằng với kích thước của quả mận. Mặc dù vậy, cân nặng của bé ở giai đoạn này vẫn rất nhỏ, chỉ khoảng 43 gam.
Tham vấn y khoa: Dược khoa Trương Anh Thư
Những dấu hiệu thai 13 tuần khỏe mạnh như những cử động nhỏ của bé bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Bé bắt đầu cựa quậy và di chuyển thường xuyên khi không ở trạng thái ngủ. Mẹ có thể dễ dàng quan sát các cử động như thở, bú, nuốt nhẹ nhàng của bé qua màn hình siêu âm. Nhờ sự phát triển của xung thần kinh não, cơ mặt của bé bắt đầu biểu hiện những trạng thái như cau mày nhẹ, nheo mắt, nhăn mặt. Cứ mỗi phút, cơ thể bé lại sản sinh ra khoảng 25.000 tế bào thần kinh.

Vào những ngày cuối của tuần thai thứ 13, cánh tay của bé sẽ đạt được chiều dài cân đối với thân hình. Cùng với đó, lớp lông tơ đầu tiên bắt đầu phát triển và phủ khắp cơ thể bé. Hệ sinh dục vẫn đang được hình thành, tuy nhiên rất khó để mẹ có thể nhận biết được giới tính của bé qua siêu âm ở giai đoạn này.
Tuần này, dây thanh quản của bé cũng đang phát triển. Thật khó để mẹ có thể nghe được tiếng động của bé vì bản chất âm thanh không thể truyền qua tử cung được. Tuy nhiên, đây chính là tiền đề phát triển cho cơ quan thanh quản sau này.
2. Những thay đổi của mẹ khi mang thai 13 tuần
2.1 Thay đổi của mẹ về mặt cảm xúc
Giai đoạn thai 13 tuần cũng là lúc mẹ gần như chấm dứt các biểu hiện thai nghén như mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn. Thay vào đó, mẹ có cảm giác dễ chịu hơn với mọi thứ xung quanh. Mẹ nên tận hưởng quãng thời gian thư thái này bằng cách trải nghiệm các bài tập tốt cho bà bầu như yoga, massage, thể dục dưới nước,…
Mẹ bắt đầu nhìn vào bụng mình nhiều hơn để xem bụng đã to lên bao nhiêu, có gì khác so với ngày hôm qua không. Thi thoảng mẹ sẽ thấy bụng mình to hơn một chút, nhưng lúc sau lại không thấy nữa. Sự thật là ở giai đoạn này kích thước bụng mẹ không có nhiều thay đổi, tất cả chỉ là sự phình ra co ở phía sau tử cung của mẹ, khiến mẹ lầm tưởng rằng bụng mình đang to ra.

Ở giai đoạn này, mẹ cảm thấy mọi thứ dường như trôi qua chậm chạp dù biết rằng mọi hoạt động vẫn đang diễn ra trong bụng mình. Tuy nhiên, do chưa có nhiều sự thay đổi biểu hiện ra bên ngoài nên mẹ sẽ thấy nôn nao nhiều hơn. Tốt hơn hết, mẹ hãy cố tìm một việc gì đó để làm, vừa giúp cơ thể thư giãn, vừa giúp mẹ loại bỏ những suy nghĩ đang luẩn quẩn trong đầu.
2.2 Những thay đổi của mẹ về mặt thể chất
Các triệu chứng thai nghén giảm đi, thay vào đó là sự tăng trưởng nhanh của các loại hoocmon được sản xuất bởi nhau thai, buồng trứng, tuyến thượng thận và tuyến yên giúp kích thích sự thay đổi của các cơ quan trong cơ thể mẹ.
- Vòng eo mẹ to hơn: Mặc dù kích thước không quá lớn nhưng mẹ có thể nhận thấy sự khác biệt rõ rệt về vòng eo. Lúc này, mẹ đã có thể diện những bộ áo váy cho bà bầu để cơ thể được thoải mái hơn
- Giảm bớt áp lực trên bàng quang: Mẹ sẽ không còn đi tiểu nhiều như trước do tử cung đã phát triển to hơn và lấp đầy vùng xương chậu.
- Dịch âm đạo: Trong giai đoạn thai 13 tuần, dịch âm đạo sẽ nhiều hơn với kết cấu mỏng, có mùi nhẹ. Tuy nhiên điều này sẽ có lợi vì dịch âm đạo giúp giữ các vi khuẩn trong âm đạo ở trong tình trạng cân bằng.
- Đau vùng xương chậu: Tử cung kéo căng dây chằng sẽ khiến mẹ bị đau vùng hông và xương chậu hơn trong giai đoạn này. Cơn đau không quá nghiêm trọng nên mẹ đừng quá lo lắng nhé.
- Xuất huyết âm đạo: Tình trạng xuất huyết âm đạo có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, một trong số đó là nguy cơ sảy thai. Do đó khi nhận thấy cơn đau vùng xương chậu dữ dội kèm theo xuất huyết âm đạo, mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay nhé.
- Thay đổi ở ngực: Vùng bụng và ngực của mẹ đã căng và đầy đặn hơn. Quá trình sản xuất sữa non sẽ bắt đầu trong giai đoạn này. Thi thoảng mẹ sẽ có thể cảm thấy hơi căng tức, khó chịu ở vùng ngực, tuy nhiên tình trạng này sẽ hết sớm thôi.

Ngoài ra, ở giai đoạn thai 13 tuần, lượng máu và huyết áp của mẹ sẽ có sự thay đổi. Với nhu cầu nuôi dưỡng cho sự phát triển của bé, lượng máu của mẹ sẽ tiếp tục gia tăng. Để vận chuyển một lượng máu nhiều hơn, các mạch máu sẽ giãn dần, hệ tuần hoàn giảm sức bền, dẫn đến huyết áp của mẹ sẽ giảm xuống một chút. Huyết áp thấp thi thoảng sẽ làm mẹ hơi đau đầu, chóng mặt, đặc biệt là khi đột ngột thay đổi tư thế.
Vị giác và khứu giác của mẹ cũng nhạy cảm hơn trước do sự thay đổi của nội tiết tố. Mẹ sẽ thèm ăn hơn, đặc biệt là các loại thức ăn chứa đồ ngọt ở giai đoạn này. Tuy nhiên, không vì thế mà mẹ cho phép mình bổ sung nhiều thực phẩm ngọt vào chế độ ăn hàng ngày. Thay vào đó hay duy trì chế độ ăn ít đường, hoặc ưu tiên các loại đường tốt như từ hoa quả để hạn chế béo phì.
3. Mẹ bầu nên làm gì khi mang thai 13 tuần
Một số lời khuyên tổng hợp từ các chuyên gia dinh dưỡng để mẹ có thể an tâm dưỡng thai trong giai đoạn thai 13 tuần như sau:
- Bắt đầu lớp học thể dục
Lớp thể dục cho thai phụ là nơi tuyệt vời để mẹ tham gia và được hỗ trợ từ những thai phụ khác. Các lớp học sẽ giúp mẹ thư giãn hơn khi được trò chuyện, luyện tập cùng những mẹ bầu đang gặp tình trạng giống mình. Mẹ có thể lựa chọn các lớp yoga cho bà bầu, nhóm đi bộ hoặc lớp khiêu vũ cho bà bầu.
- Phòng tránh táo bón
Hãy bổ sung nhiều chất xơ và uống từ 2 lít nước/ngày tùy vào việc bạn hoạt động nhiều hay ít, ra mồ hôi nhiều không. Thêm vào đó, bổ sung chuối, bưởi, đu đủ chín, rau lang, rau đay, mồng tơi… vào thực đơn để ngừa táo bón.
- Xét nghiệm sàng lọc
Từ tuần thai 13, mẹ đã có thể thực hiện siêu âm thai 13 tuần 4D để khảo sát hình thái, và thực hiện một số xét nghiệm sàng lọc trước sinh, giúp phát hiện sớm các dị tật lớn của bé, từ đó có kế hoạch can thiệp sớm. Những xét nghiệm này bạn sẽ được bác sĩ sản phụ khoa thăm khám và tư vấn trực tiếp cho bạn.

4. Những thực phẩm mẹ nên bổ sung khi thai 13 tuần
Bổ sung dưỡng chất là điều cần thiết ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Tuy nhiên, ở giai đoạn thai 13 tuần, mẹ nên tập trung vào các nhóm chất sau:
- Nhóm thực phẩm giàu axit folic
Axit folic (còn gọi là folate) là thành phần đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của ống thần kinh. Dưỡng chất này có nhiều trong ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh, đậu, chuối, bông cải xanh và sữa… Mẹ nên ăn các loại thực phẩm giàu axit folic cũng như sử dụng thêm các loại thực phẩm chức năng có chứa axit folic trước khi mang thai và tiếp tục dùng trong suốt thai kỳ.
- Nhóm thực phẩm giàu canxi
Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành xương và răng của thai nhi. Ngoài ra, canxi còn giúp mẹ duy trì mật độ xương vững chắc và ngăn ngừa loãng xương sau sinh, đồng thời giảm nguy cơ tiền sản giật. Canxi có nhiều trong các loại thực phẩm như cua, tôm, hạnh nhân, hạt vừng, các sản phẩm từ đậu nành, sữa, rau lá xanh, cá mòi, cá hồi và bông cải xanh… Ngoài ra, mẹ có thể uống thêm các viên canxi để tăng cường bổ sung trong giai đoạn này.
- Nhóm thực phẩm giàu sắt
Để nuôi dưỡng thai nhi, mẹ cần bổ sung nhiều sắt cho cơ thể. Loại khoáng chất quan trọng này có nhiều trong các loại thịt đỏ như thịt bò, vịt, các sản phẩm từ đậu nành, rau chân vịt (rau bina), rau muống, trái cây khô và khoai tây còn nguyên vỏ… Bên cạnh đó mẹ nên sử dụng thêm viên uống bổ sung để duy trì chất sắt khi nhu cầu máu tăng lên.

5. Một số bài tập phù hợp cho mẹ bầu 13 tuần
Ở giai đoạn thai 13 tuần, mẹ cảm thấy cơ thể khá thoải mái. Việc tập luyện thêm các bài tập vừa giúp mẹ tận hưởng khoảng thời gian dễ chịu này, vừa làm tiền đề để mẹ có sức khoẻ tốt hơn cho những tuần thai tiếp theo. Một số bài tập đơn giản mà mẹ có thể tham khảo như:
- Tư thế quả chuối: Nằm nghiêng về một bên, chân dưới khẽ gập lại, lòng bàn tay dưới xòe rộng và hướng lên trên. Hít vào (đếm từ 1 đến 3), nhấc chân trên, phần thân trên và tay dưới. Thở ra (đếm từ 1 đến 3), hạ chân trên, phần thân trên và tay dưới. Lặp lại 4-6 lần với mỗi bên.
- Tư thế lưng mèo giảm đau lưng hiệu quả: gập đầu gối xuống, hai bàn chân dang rộng bằng vai. Sau đó chống 2 tay lên đùi trên, các ngón tay chụm lại còn khuỷu tay ở tư thế cân bằng. Hít vào thật chậm, giữ cho lưng uốn hình cánh cung. Thở ra. Mẹ bầu lặp lại động tác này 4 lần.
- Tư thế chống đẩy: Mẹ cần tập trên một tấm thảm êm.

6. Giai đoạn thai 13 tuần đã ổn định chưa chưa?
Giai đoạn thai 13 tuần, bé đã phát triển ổn định trong bụng mẹ và các bộ phận trên cơ thể hình thành đầy đủ và đang dần thực hiện tối đa các chức năng
Tuy nhiên điều đó mẹ không nên chủ quan, mẹ cần nên cẩn trọng trong chế độ ăn uống và vận đồng hằng ngày. Nên vận động nhẹ nhàng để giúp bảo vệ an toàn cho bé trong ngôi nhà tử cung của mẹ và chế độ dinh dưỡng giúp trẻ phát triển khỏe mạnh về vật lý và liên kết thần kinh.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp mẹ có thể an tâm hơn khi bước sang giai đoạn thai 13 tuần. Dù là bất kỳ giai đoạn nào, mẹ cũng cần lưu ý về cả chế độ dinh dưỡng và luyện tập để có một tinh thần và sức khỏe tốt nhất.
Lưu ý: Các bài viết của Mama Sữa Non Colos Multi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Thai 11 tuần phát triển như thế nào? Lời khuyên dành cho mẹ
Thai nhi 12 tuần tuổi phát triển như thế nào? Lời khuyên cho mẹ
Thai 14 tuần phát triển như thế nào? Dấu hiệu bé khỏe mạnh
Thai 15 tuần phát triển như thế nào? Bé nặng bao nhiêu gram?