Tam cá nguyệt 1
Thai 11 tuần phát triển như thế nào? Lời khuyên dành cho mẹ
Đăng ngày | Chuyên mục | Tác giả |
10/08/2022 | Tam cá nguyệt 1 | Dược sĩ Hoàng Thị Tuyết |
Thai 11 tuần là cột mốc phát triển quan trọng đối với bé và bắt đầu có nhiều sự thay đổi về thể trạng của mẹ vì chuẩn bị bước sang chu kỳ thứ 2 của thai kỳ. Mặc dù sẽ có nhiều khó khăn cả về thể chất lẫn tinh thần đối với mẹ nhưng nếu có sự tìm hiểu và chăm sóc đúng, mẹ bầu vẫn có thể vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng. Hãy cùng Colos Multi tìm hiểu những chuyển biến khi thai 11 tuần thông qua bài viết sau đây nhé!

1. Sự phát triển của thai nhi 11 tuần
Thai 11 tuần phát triển như thế nào? Đây chắc hẳn là vấn đề mà rất nhiều bậc phụ huynh rất quan tâm vì tuần tuổi thứ 11 là giai đoạn thai nhi bắt đầu có những phát triển rõ rệt về thể chất lẫn trí não.
Bé sẽ bắt đầu phát triển khả năng phản xạ, ngón chân và ngón tay có thể xoè ra, co lại, miệng bé sẽ hoạt động giống như đang mút, cơ mắt được nắm chặt. Trong vài tuần tiếp theo, móng tay và móng chân sẽ bắt đầu phát triển và dài ra.
Bên cạnh đó dấu hiệu thai 11 tuần khỏe mạnh là hệ thống ruột của thai nhi bắt đầu được sắp xếp trong khoang bụng với sự phát triển nhanh. Thời điểm này , bé cũng có thể vặn mình để phản ứng nếu mẹ chèn ép bụng mình, mặc dù mẹ không cảm nhận được.
Theo TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Các tư thế nằm của thai 11 tuần cũng bắt đầu có sự thay đổi. Bé có thể bắt đầu nằm ở tư thế cuộn người về phía trước, vươn vai, lộn nhào,… Hệ thống thần kinh của bé cũng bắt đầu phát triển ở giai đoạn thai 11 tuần. Các tế bào thần kinh được nhân lên rất nhanh và các khớp thần kinh cũng bắt đầu được hình thành.
Khuôn mặt của bé cũng bắt đầu được hình thành rõ hơn. Tai đã di chuyển về đúng vị trí, mắt bắt đầu di chuyển về giữa khuôn mặt. Chiều dài đầu mông thai 11 tuần khoảng 4,064 cm, cân nặng khoảng 7g.
2. Những thay đổi của cơ thể mẹ khi mang thai 11 tuần
2.1 Ợ nóng, triệu chứng thường thấy ở mẹ khi mang thai 11 tuần
Chứng ợ nóng xuất hiện rất thường xuyên khi mẹ mang thai tuần thứ 11. Ở thời điểm này, hormone progesterone được nhau thai sản sinh rất nhiều, dẫn đến tình trạng giãn cơ thắt dưới của thực quản. Do đó, axit dạ dày có thể trào ngược lên thực quản, khiến mẹ bị ợ nóng, cảm giác nóng rát khó chịu thường được kéo dài từ phần xương ức đến dưới họng.
Đặc biệt sẽ xuất hiện nhiều hơn khi mẹ đang nằm và tình trạng có thể nghiêm trọng hơn nếu mẹ đã có tiền sử bị trào ngược.
2.2 Một số triệu chứng khác
- Tâm trạng thay đổi: Đây là giai đoạn cơ thể của mẹ rất nhạy cảm và thất thường. Mẹ nên hạn chế căng thẳng và tránh xa những cảm xúc tiêu cực.
- Tăng dịch tiết âm đạo: Mẹ nên thường xuyên vệ sinh vùng kín và thay quần lót thường xuyên 2 lần mỗi ngày.
- Buổi thường xuất hiện cảm giác ốm nghén: Đây là triệu chứng rất phổ biến của nhiều mẹ bầu, cảm giác buồn nôn, ốm nghén sẽ kéo dài đến khi qua 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.
- Chân dễ bị chuột rút: Triệu chứng này xuất hiện rất thường xuyên khi mang thai 11 tuần, đặc biệt là vào ban ngày. Điều này có thể ảnh hưởng rất nhiều đến giấc ngủ của mẹ, bắp chân dễ bị đau và căng khiến mẹ bị rối loạn giấc ngủ.
- Xuất hiện đường linea nigra: Khi thai 11 tuần, giữa bụng mẹ sẽ xuất hiện một đường sẫm màu ngay giữa bụng và kéo dài từ chân đến xương mu. Mẹ đừng quá lo lắng vì đây là triệu chứng thường gặp và sẽ mờ dần sau khi sinh.
- Đầy hơi và chướng bụng: Đây là những triệu chứng do hormone progesterone gây nên và ảnh hưởng đến quá trình tiêu hoá.

3. Siêu âm thai 11 tuần có phát hiện dị tật bẩm sinh chưa?
Câu trả lời là có nhé! Siêu âm thai 11 tuần có thể phát hiện được dị tật bẩm sinh, sàng lọc hội chứng Down ở thai nhi nhờ phương pháp đo độ mờ da gáy. Bước vào tuần thai thứ 11 hoặc trễ nhất là 13 tuần 6 ngày, mẹ có thể thực hiện đo độ mờ da gáy cho thai kỳ.
Đây là thời điểm cho ra kết quả chính xác nhất vì nếu thực hiện quá sớm thì sẽ rất khó nhìn thấy và nếu thực hiện trễ hơn thì kết quả sẽ không còn ý nghĩa trong việc chẩn đoán dị tật cho bé. Kết quả đo độ mờ da gáy thường là:
- Độ mờ da gáy ở mức cho phép là 2,5mm.
- Thai 11 tuần tuổi: Độ mờ da gáy khoảng 2mm.
- 13 tuần 6 ngày: Độ mờ da gáy 2,8 mm.

Các mẹ bầu nên chú trọng việc siêu âm theo đúng thời điểm khuyến cáo của bác sĩ để có thể phát hiện và có phương án xử lý kịp thời khi phát hiện điểm bất thường từ thai nhi. Siêu âm thai 11 tuần đóng vai trò rất quan trọng trong việc tầm soát hội chứng Down khi bé còn trong bụng mẹ.
4. Một số lưu ý cho mẹ bầu khi mang ở tuần 11 thai kỳ
Thai 11 tuần là thời điểm cơ thể của mẹ bắt đầu xuất hiện những thay đổi cả về thể chất lẫn tinh thần, khiến mẹ bầu gặp nhiều khó khăn, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi. Giai đoạn bé bắt đầu phát triển nhanh đồng nghĩa với việc cơ thể của mẹ sẽ phải làm việc vất vả hơn rất nhiều.
Để có thể hạn chế khó khăn và giảm thiểu cảm giác mệt mỏi cho cơ thể của mẹ khi mang thai 11 tuần, gia đình cần chú ý những điều sau.
4.1 Nên ăn những thực phẩm tốt cho sức khỏe
- Bổ sung nguồn dinh dưỡng từ các loại hạt: Đây được xem là nguồn thực phẩm chứa hàm lượng chất dinh dưỡng rất phong phú và tốt cho mẹ bầu. Các loại hạt thường chứa lượng lớn vitamin E, nhiều loại khoáng chất tốt cho sức khoẻ như kali, mangan, magie, kẽm, selen và cả canxi… Hạt óc chó còn chứa một loại axit béo Omega 3 là ALA, dưỡng chất tốt cho sự phát triển trí não của thai nhi. Mặc dù chứa nhiều chất béo, nhưng các loại hạt chứa nhiều yếu tố tốt cho sức khỏe của mẹ và bé.
- Bổ sung nhiều thực phẩm chứa vitamin C: Vitamin C là nguồn dinh dưỡng thiết yếu tốt cho sự phát triển thể chất của thai 11 tuần tuổi như cơ, xương, mạch máu… Bên cạnh đó, bổ sung vitamin cũng rất tốt cho việc sản xuất collagen, giảm thiểu nguy cơ vỡ ối và giúp thai nhi phục hồi những mô xương bị tổn thương. Các mẹ có thể bổ sung vitamin từ nguồn thực phẩm như: ớt chuông, bông cải xanh, cam, xoài, dâu tây, dưa hấu, nước ép rau củ các loại…
- Thực phẩm giàu Protein: Đây là dưỡng chất tốt cho quá trình hình thành khối lượng và xương cho thai 11 tuần. Mẹ nên bổ sung nhiều thực phẩm chứa protein như các loại cá, thịt heo, thịt bò, đặc biệt là thịt nạc…
- Rau chân vịt (cải bó xôi): Đây là loại thực phẩm được rất nhiều mẹ bầu yêu thích vì hương vị ngon, chế biến được nhiều món ăn và giàu chất sắt.
- Thực phẩm chứa nhiều canxi: Canxi là dưỡng chất rất tốt cho quá trình hình thành xương của thai nhi. Do đó, mẹ cần bổ sung nhiều loại thực phẩm giàu canxi, sữa và đặc biệt là các sản phẩm được làm từ sữa.. Hơn nữa, sữa chua còn là thực phẩm giàu probiotic, giúp cân bằng lợi khuẩn, tốt cho hệ tiêu hoá của mẹ.
- Các loại trái cây, rau củ: Đây đều là những loại thực phẩm có hàm lượng dưỡng chất cao, tốt cho sự phát triển toàn diện cho cả bé và tốt cho sức khỏe của mẹ.

4.2 Luyện tập phù hợp
Khi thai 11 tuần tuổi, mẹ nên bổ sung một số bài tập nhẹ phù hợp với sức khoẻ. Yoga cho mẹ bầu được xem là bộ môn rất tốt cho cả thể trạng của mẹ và sự phát triển của bé. Không chỉ giúp mẹ giảm stress, tâm trạng thoải mái, những bài tập yoga dành cho mẹ bầu cũng có thể hạn chế tình trạng trầm cảm sau sinh.
4.3 Thường xuyên chăm sóc răng miệng
Phụ nữ mang thai rất thường xuyên gặp phải những vấn đề về răng miệng như viêm nướu. Do đó, mẹ bầu cần quan tâm đến việc chăm sóc răng miệng bằng một số phương pháp như:
- Sử dụng tăm nước và đánh răng thường xuyên.
- Nhai kẹo cao su sau khi ăn để loại bỏ những mảng bám tích tụ trên răng.
- Thường xuyên vệ sinh răng bằng nước muối.
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ giúp bảo vệ răng miệng của mẹ trong thai kỳ được khoẻ mạnh, từ đó giảm thiểu khả năng sinh non. Chính vì thế, các mẹ bầu hãy chú trọng trong việc bảo vệ răng miệng trong thai kỳ nhé!
4.4 Một số lưu ý khác
- Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ vì có thể gây ảnh hưởng đến xấu đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
- Hạn chế ăn các loại đồ ăn vặt vì không tốt cho hệ tiêu hoá của mẹ trong giai đoạn thai kỳ, đồng thời có thể khiến tình trạng táo bón nặng hơn.
- Hạn chế tình trạng chuột rút ở chân bằng cách uống nhiều nước.
- Phụ huynh nên đọc nhiều sách về nuôi dạy trẻ để có sự chuẩn bị tốt nhất cho hành trình trở thành cha mẹ.
- Thư giãn bản thân bằng một kỳ nghỉ, du lịch nghỉ dưỡng.
- Lưu ý khi quan hệ trong giai đoạn thai 11 tuần tuổi.
- Không nên uống cà phê, nước ngọt, nước có cồn và nên thay bằng những thức uống tốt cho sức khoẻ như nước ép, sữa, nước trái cây,…
5. Câu hỏi thường gặp
Ở giai đoạn thai nhi tuần thứ 11, mẹ đã hơi ra dáng một bà bầu và cảm thấy nặng nề hơn mỗi khi ngồi xuống và mệt mỏi hơn vào cuối ngày.
Ở giai đoạn mang thai tuần thứ 11, mẹ bị đau bụng cũng không loại trừ khả năng bé đang gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, mẹ hãy bình tĩnh theo dõi tần suất cơn đau, thay đổi tư thế ngồi hoặc nằm xem cơn đau có giảm không. Bên cạnh đó mẹ cũng nen tránh làm việc nặng và nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
Thai 11 tuần là giai đoạn phát triển rất quan trọng của bé trong hành trình 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ. Việc tìm hiểu kỹ những thông tin về thai kỳ sẽ giúp mẹ bầu và gia đình có thể quan sát rõ sự hình thành và phát triển của bé, đồng thời sẽ có những biện pháp kịp thời khi phát hiện sự bất thường ở thai nhi.
Lưu ý : Bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Quá trình mang thai và phát triển của thai nhi ở từng tuần
Thai nhi 2 tuần tuổi có biểu hiện gì? Lời khuyên cho mẹ
Thai 6 tuần tuổi phát triển như thế nào? Cơ thể mẹ bầu thay đổi ra sao?
Thai 21 tuần: Sự phát triển và cân nặng của thai nhi
Thai 16 tuần phát triển như thế nào? Mẹ nên ăn gì?
Thai 26 tuần nặng bao nhiêu và thay đổi của cơ thể mẹ
Sự phát triển của thai nhi tuần 31 – Lời khuyên dành cho mẹ bầu
Thai 36 tuần – Sự phát triển của bé và cơ thể của mẹ bầu